Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội nên chỉ các nhà máy, xí nghiệp sản xuất tại các cụm công nghiệp có phương án sản xuất an toàn “3 tại chỗ” (sản xuất, ăn uống, nghỉ ngơi tại chỗ) hoặc “1 cung đường, 2 điểm đến” được duyệt mới được phép hoạt động.
Vì thế, theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, đến giữa tháng 8, chỉ 1.077 trong 3.600 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong các cụm công nghiệp duy trì hoạt động. Cũng giống nhiều địa phương khác, các doanh nghiệp áp dụng “3 tại chỗ” gặp khó khăn do phát sinh chi phí sản xuất, năng suất lao động giảm, giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh…
Mặt khác, từ trước khi Hà Nội áp dụng chỉ thị 16, một số doanh nghiệp đã dừng hoạt động, phải thu hẹp quy mô sản xuất, bình quân chỉ còn khoảng 80% so với trước đây… Vì thế ảnh hưởng lớn đến sản xuất, cung ứng hàng hóa, bảo đảm an sinh xã hội, việc làm, thu nhập cho người lao động.
Trước thực tế này, Sở Công Thương Hà Nội kiến nghị đẩy nhanh, ưu tiên tiêm vaccine cho công nhân lao động trong các cụm công nghiệp, nhằm tránh đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng, vừa phòng, chống Covid-19, vừa duy trì sản xuất tại doanh nghiệp.
Hà Nội hiện có 70 cụm công nghiệp đang hoạt động, tổng diện tích gần 1.400 ha. Trong năm 2021, thành phố đặt mục tiêu xúc tiến, thu hút đầu tư thành lập mới 10-15 cụm công nghiệp.