Đồng Nai phải ưu tiên chống dịch trong các khu công nghiệp
Đồng Nai cần nhanh chóng xây dựng kịch bản cho tình huống dịch bệnh Covid-19 xấu có thể lên đến 50-100 ngàn ca F0. Đặc biệt, tỉnh phải ưu tiên chống dịch trong các Khu công nghiệp và kiểm soát tốt duy trì 3 tại chỗ.

Ngày 25/8/2021, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã tham Đoàn công tác của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai. Tại buổi làm việc ông Cao Tiến Dũng – Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai báo cáo, tỉnh đảm bảo thắt chặt các biện pháp phòng chống dịch, không để tình trạng “chặt ngoài – lỏng trong”, đặc biệt là đảm bảo đủ lương thực – thực phẩm cho người dân; phân vùng “xanh – đỏ – vàng – cam” tới tận khu phố và quy định các hoạt động được phép triển khai tại mỗi vùng; tỉnh cũng đã có kế hoạch bóc F0 ra khỏi cộng đồng cả trong và ngoài Khu Công nghiệp. “Việc thực hiện Chỉ thị 16 với các biện pháp siết chặt hơn đang có hiệu quả trong kiềm chế dịch tại Đồng Nai. Tỉnh quyết tâm không để dân thiếu đói, không để người bệnh thiếu oxy. Nếu để dân thiếu đói thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm” – ông Cao Tiến Dũng cho biết.

Liên quan đến hoạt động tại các KCN, theo báo cáo của Sở Công Thương Đồng Nai, tỉnh hiện có hơn 1.881 doanh nghiệp thứ cấp trong 32 KCN với khoảng 610.184 lao động. Tính đến thời điểm sáng ngày 24/8/2021, Ban Quản lý các KCN đã tiếp nhận và xử lý cho 1.136 doanh nghiệp thực hiện phương án 3 tại chỗ với số lao động lưu trú là 138.863 lao động. Trong đó có 1.123 doanh nghiệp thực hiện 3 tại chỗ, 5 doanh nghiệp thực hiện “1 cung đường, 2 địa điểm” và 9 doanh nghiệp áp dụng cùng lúc 2 phương án nêu trên. Tuy nhiên vẫn có một số doanh nghiệp có số lượng công nhân đông không bố trí được 3 tại chỗ và phải tạm thời tạm nghỉ để phòng chống dịch Covid-19.

Đồng Nai phải ưu tiên chống dịch trong các khu công nghiệp
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại buổi làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đánh giá cao nỗ lực của Đồng Nai trong công tác vừa chống dịch vừa duy trì sản xuất với các biện pháp linh hoạt. Đây là điều có ý nghĩa lớn bởi Đồng Nai là trung tâm công nghiệp, đóng góp vai trò lớn phát triển kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Cách làm của Đồng Nai hiện là phù hợp, vừa sản xuất an toàn, vừa chống dịch, vừa chăm lo cho đời sống người dân. Đối với việc tiêm vắc xin, Bộ Công Thương nhất trí và đã kiến nghị ưu tiên tiêm vắc xin cho công nhân trong nhà máy sản xuất công nghiệp và nhân viên hệ thống siêu thị. Đối với lĩnh vực xuất nhập khẩu, Thứ trưởng cho biết, ngày 24/8/2021, Tổ Công tác đặc biệt phía Nam của Bộ Công Thương đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với Lãnh đạo Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An để thống nhất phương án cấp Giấy đi đường cho doanh nghiệp các tỉnh có đơn hàng xuất khẩu qua địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề nghị, dù Đồng Nai đã linh hoạt trong các phương án sản xuất 3 tại chỗ, 1 cung đường 2 địa điểm hoặc kết hợp nhưng phải giữ vững nguyên tắc chỉ cho doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện được hoạt động; doanh nghiệp không đáp ứng yêu cầu phòng dịch thì không cho hoạt động và sản xuất. Thứ trưởng cũng đề nghị Đồng Nai phải cố gắng giữ hệ thống cung ứng hàng hóa, hệ thống phân phối và siêu thị phục vụ nhu cầu người dân, đồng thời đảm bảo tuân thủ chặt chẽ các quy định trong công tác phòng dịch

Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhận định, Đồng Nai là một trong 4 tỉnh, thành đang có nguy cơ cao nhất về dịch bệnh Covid-19. Do đó, tỉnh phải dồn sức để chống dịch, sớm kiểm soát được dịch bệnh, không để lây lan trong cộng đồng và doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Đồng Nai cần nhanh chóng xây dựng kịch bản cho tình huống dịch bệnh Covid-19 xấu, có thể lên đến 50-100 ngàn ca F0. Như vậy, khi tỉnh khống chế không để dịch bệnh phát sinh với số lượng lớn sẽ không ảnh hưởng gì, còn trường hợp xảy ra như kịch bản trên có thể chủ động xử lý, đảm bảo sức khỏe cho người dân. Đặc biệt, tỉnh phải ưu tiên chống dịch trong các Khu Công nghiệp vì lượng doanh nghiệp lớn sẽ dễ lây lan khi có ca nhiễm; dù duy trì 3 tại chỗ nhưng phải tuyệt đối đảm bảo an toàn phòng dịch…

Cũng trong buổi sáng 25/8, Đoàn công tác đã tới thăm và làm việc tại Công ty Fujitsu, Khu Công nghiệp Biên Hòa. Báo cáo với Đoàn công tác, đại diện Công ty Fujitsu đã chia sẻ về tình hình sản xuất, chăm lo ăn uống, sức khỏe và tinh thần cho công nhân yên tâm sản xuất. Theo đại diện Fujitsu, mặc dù hết sức khó khăn nhưng doanh nghiệp vẫn tin tưởng vào chính sách của Chính phủ và hi vọng Đồng Nai sẽ thiết lập được “vùng xanh” để doanh nghiệp duy trì sản xuất bình thường.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đánh giá cao việc tuân thủ chống dịch, duy trì sản xuất, linh hoạt trong phương án chống dịch của doanh nghiệp. Thứ trưởng cũng trao đổi các biện pháp phòng chống dịch tại doanh nghiệp và Khu Công nghiệp (KCN) nhằm tiếp tục duy trì sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh. “Doanh nghiệp phải chủ động xây dựng phương án phòng dịch và cần có địa điểm tạm cách ly F0, F1; trường hợp xưởng và dây chuyền xuất hiện F0 phải xét kỹ từng khâu để xử lý triệt để và duy trì sản xuất tại những khu vực an toàn– Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

Tân Cảng Sài Gòn đảm bảo chuỗi cung ứng vận hành nhịp nhàngChiều ngày 25/8, Đoàn công tác đã đến thăm Tân Cảng Cát Lái và làm việc với Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (TP. Hồ Chí Minh). Tại buổi làm việc, Đại tá Ngô Minh Thuấn – Tổng giám đốc Tân Cảng Sài Gòn báo cáo, tới nay Tân Cảng Cát Lái có sản lượng container tồn bãi dao động ở mức 85% công suất và là mức tồn bãi bình thường, lý tưởng cho hoạt động sản xuất, đạt chất lượng dịch vụ cao nhất. Đặc biệt, dù dịch bệnh khó khăn song Tân Cảng Sài Gòn khẳng định trong thời gian tới vẫn luôn duy trì hoạt động của các cảng biển, kho bãi để đảm bảo các chuỗi cung ứng vận hành nhịp nhàng theo nhu cầu của nền kinh tế.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhận định, Tân Cảng Sài Gòn đóng vai trò trụ cột lớn trong hoạt động xuất nhập khẩu, sản xuất nói trong và sản xuất công nghiệp nói riêng của ngành Công Thương. Bộ Công Thương đánh giá cao nỗ lực và các giải pháp cụ thể của Tân Cảng Sài Gòn khi duy trì mức tồn conainer ở mức 85%.

Ngoài ra, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng lưu ý Tân Cảng Sài Gòn cần chú ý triển khai các biện pháp quản lý lượng hàng nhập khẩu đưa về cảng, nhằm đáp ứng cao nhất nhu cầu nhập khẩu hàng hóa phục vụ sản xuất và tiêu dùng cũng như những quy định hiện tại liên quan tới việc cấp giấy đi đường ở các địa phương nhằm tránh khả năng ách tắc trong thời gian tới.

Mai Ca – Báo Công Thương

TIN LIÊN QUAN
Hé lộ tin vui với các dự án lớn về bán dẫn, năng lượng của “đại bàng”
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 6 tháng, nhiều dự án lớn ở các lĩnh vực bán... 
Liên tục đón “đại bàng về làm tổ”, một phân khúc tiếp tục là điểm sáng của thị trường bất động sản
Thị trường bất động sản công nghiệp liên tục đón loạt “đại bàng”... 
Diễn đàn Kinh tế Việt Nam – Thụy Sỹ: Thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp
Qua Diễn đàn trên, góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa... 
Vốn đầu tư nước ngoài 6 tháng gần 15,2 tỷ USD, DN điện tử đang đến với Việt Nam
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 6 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư...