Nông sản XK thông qua chế biến mới đạt 20 – 30%
Trong ngành thủy sản, hiện nay, chỉ mới 55 – 65% thành phần của con tôm được sử dụng, 35 – 45% còn lại thường bị bỏ đi, chỉ có một phần nhỏ được xử lý bằng phương pháp truyền thống giá trị thấp, ô nhiễm môi trường. Nếu 400.000 – 500.000 tấn phụ phẩm tôm được chế biến sâu thì giá trị không thua sản phẩm chính.
Trong lĩnh vực trồng trọt, 1kg khoai lang bán ăn tươi chỉ trên dưới 20.000 đồng, nhưng nếu qua chế biến giá trị có thể tăng lên hàng chục lần. Việt Nam có lợi thế nguồn nguyên liệu nông – lâm – thủy sản rất lớn nhưng chưa biết cách làm gia tăng giá trị.
Theo số liệu của Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – NN&PTNT), hiện nay, sản lượng lúa ước đạt 43,98 triệu tấn, tăng 1,24 triệu tấn; khoai lang ước đạt 1,3 triệu tấn; rau, đậu 17,1 triệu tấn. Cây lâu năm: sản lượng xoài đạt 788,4 nghìn tấn; thanh long đạt 1,1 triệu tấn; dứa đạt 674,0 nghìn tấn. Sản lượng khai thác thủy sản đạt gần 3,6 triệu tấn, trong đó khai thác biển ước đạt 3,3 triệu tấn, khai thác nội địa ước đạt 209 nghìn tấn. Sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 4,4 triệu tấn.
Thống kê của Bộ NN&PTNT, cả nước hiện có trên 43.000 doanh nghiệp (DN) chế biến kinh doanh nông lâm thủy sản, trong đó có trên 7.500 cơ sở chế biến nông lâm thủy sản quy mô công nghiệp gắn với XK, tăng 1.500 cơ sở so với năm 2015. Trong 5 năm qua, có 67 nhà máy, cơ sở chế biến lớn với tổng mức đầu tư khoảng 2,58 tỷ USD được khởi công mới, đi vào hoạt động.
Con số này vẫn còn rất khiêm tốn so với tiềm năng, thế mạnh của một quốc gia nông nghiệp. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhận định: Việt Nam chỉ có khoảng 20 – 30% nông sản thông qua chế biến để XK, còn tại Đài Loan (Trung Quốc) con số này là 80%. Ngành nông nghiệp nước ta phải so sánh hai con số đó để có phương hướng phát triển, chủ động, đẩy mạnh khâu chế biến, tạo ra giá trị gia tăng, giải bài toán cung vượt cầu, giảm áp lực cho nông dân thường gặp cảnh trúng mùa rớt giá.
Tìm kiếm các cơ hội XK mới thông qua thương mại nông sản chế biến
Hiện Việt Nam xếp thứ 17 về XK nông lâm thủy sản trên thế giới với kim ngạch năm 2020 đạt 41,2 tỷ USD. Tuy nhiên mới chiếm 1,95% giá trị nhập khẩu nông lâm thủy sản của thế giới. Thị trường thế giới với 7,8 tỷ người nên nhu cầu tiêu thụ nông lâm thủy sản rất lớn, sẽ còn nhiều dư địa để Việt Nam phát triển.
Trong đó, chế biến đóng vai trò vô cùng quan trọng trong nền nông nghiệp. Ngoài việc đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng tại thị trường XK thì các sản phẩm chế biến có thời gian bảo quản lâu dài nên giảm được tổn thất khi chưa thể XK ngay. Phát triển công nghệ chế biến, công nghệ bảo quản sau thu hoạch giúp các sản phẩm nông sản thâm nhập các thị trường lớn, nhất là khi phần lớn các rào cản thuế quan của nhiều mặt hàng nông sản chế biến được dỡ bỏ theo cam kết trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Là DN kinh doanh hạt điều, với việc hướng đến chế biến sâu, thị trường XK của Công ty TNHH Hạt Điều Vàng (tỉnh Bình Phước) ngày càng mở rộng. Hiện tại, DN này đang XK hạt điều chế biến sang Australia, Na Uy, Ba Lan, Nhật Bản và dự tính sẽ thâm nhập thị trường Mỹ trong thời gian tới. Dịch Covid-19 là lực đẩy giúp cho các kênh thương mại điện tử phát triển tốt. Điều này giúp cho việc XK sản phẩm nông sản chế biến sâu thâm nhập tốt hơn, nhanh hơn vào các thị trường. Nắm bắt cơ hội thị trường, Công ty TNHH Hạt Điều Vàng đang tiếp tục đầu tư các máy móc, công nghệ để chế biến sâu những sản phẩm hạt điều có giá trị cao hơn nhằm đáp ứng tốt nhu cầu, thị hiếu ở từng thị trường. Rõ ràng, với việc đầu tư chế biến sâu, chế biến tinh, giúp DN sẽ rộng cửa vươn xa đến những thị trường XK lớn.
Sau thành công của chương trình xúc tiến thương mại cho trái sầu riêng Việt Nam tại Australia trong các năm 2019 và 2020, hiện Thương vụ Việt Nam tại Australia đang xúc tiến kế hoạch quảng bá, xây dựng thương hiệu và thúc đẩy gia tăng kim ngạch các mặt hàng nông sản chế biến khác của Việt Nam tại thị trường “xứ chuột túi”. Hiện, Australia hiện mới chỉ mở cửa thị trường cho 4 loại quả tươi của Việt Nam, bao gồm nhãn, vải, xoài và thanh long. Vì vậy, việc đa dạng sản phẩm XK, tìm kiếm các cơ hội mới thông qua thương mại nông sản chế biến là một trong những hướng đi nhiều ưu thế, dành cho các DN và người nông dân Việt Nam.
Mặt khác, chính những sản phẩm chế biến sẽ khắc phục tình trạng nông sản nước ta được mùa mất giá. Khả năng chế biến nông sản trong nước rất lớn. Do đó, rất cần sự bắt tay giữa Nhà nước và DN trong kết nối mở rộng thị trường, cùng nghiên cứu khoa học công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch để nâng cao giá trị nông sản.
Chỉ thị số 25/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản và cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 nông nghiệp Việt Nam đứng trong số 15 nước phát triển nhất thế giới, trong đó, ngành chế biến nông sản đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới, là một trung tâm chế biến sâu và logistics của thương mại nông sản toàn cầu. |