Phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế: Chỉ thu hút những dự án chất lượng
Đó là mục tiêu của Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo, lấy ý kiến.

Khắc phục bất cập, tạo cơ hội thu hút dự án chất lượng

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có cuộc họp trực tuyến với các nhà đầu tư hạ tầng, nhà đầu tư thứ cấp trong khu công nghiệp (KCN) nhằm hoàn thiện Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 82/2018/NĐ-CP.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng, trải qua hơn 30 năm xây dựng và phát triển, Việt Nam đã phát triển được 394 KCN, 26 khu kinh tế ( KKT) cửa khẩu và 18 KKT ven biển. Các KCN, KKT đã thu hút được lượng vốn đầu tư lớn trong và ngoài nước, cung cấp nguồn lực quan trọng cho đầu tư phát triển, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp tích cực đó, các KCN, KKT vẫn tồn tại những mặt hạn chế về quy hoạch, mô hình, chất lượng nhiều dự án đầu tư vào KCN chưa đảm bảo cân bằng về yếu tố xã hội môi trường. Cùng với đó, hiệu quả sử dụng đất tại một số KCN cũng chưa được đánh giá cao.

Để khắc phục những tồn tại này, tại Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 27/4/2020 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì nghiên cứu và xây dựng Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 82/2018/NĐ-CP. Theo đó, quan điểm sửa đổi Nghị định số 82 nhằm sửa đổi một cách toàn diện, tạo điều kiện thu hút mạnh mẽ hơn nữa nguồn lực đầu tư cho phát triển hạ tầng KCN, KKT, đồng thời tạo dư địa để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp cho KCN, KKT. Từ đó, tạo điều kiện thu hút những dự án có chất lượng cao, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam và định hướng thu hút đầu tư trong thời gian tới.

Đảm bảo hài hòa lợi ích trong quản lý

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mục tiêu và yêu cầu xây dựng Nghị định sửa đổi Nghị định số 82 tập trung vào 3 vấn đề chính: Thứ nhất, Nghị định phải đảm bảo được sửa đổi, cập nhật, phù hợp với các quy định tại các văn bản pháp quy mới liên quan được ban hành, nhất là Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp. Đồng thời, kế thừa các quy định pháp luật đã được quy định tại Nghị định số 82 mà không phát sinh vướng mắc trong quá trình triển khai, thực hiện.

Thứ hai, việc ban hành Nghị định cần thống nhất theo hướng nhằm hoàn thiện xây dựng mô hình quản lý nhà nước đối với KCN, KKT theo nguyên tắc “một cửa, tại chỗ” gắn với năng lực quản lý của các Ban quản lý KCN, KKT để thu hút đầu tư, phát huy vai trò đầu mối của Ban quản lý KCN, KKT trong quản lý nhà nước KCN, KKT trên địa bàn. Thứ ba, một số mô hình KCN mới cần được nghiên cứu quy định trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế và phù hợp với thực tiễn hoạt động của các KCN tại Việt Nam.

Đặc biệt, theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc, những nội dung sửa đổi tại Nghị định số 82 cần có tính đồng bộ với những quy định pháp luật có liên quan và tạo ra những đột phá nhất định, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch và cần đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân. Đồng thời, việc phát triển KCN thời gian tới cần đảm bảo hài hòa về kinh tế, môi trường và xã hội, nên cần chú trọng tới các vấn đề như: Nhà ở cho công nhân, nhà trẻ, bệnh viện, trường học, bảo vệ môi trường, dịch vụ, hậu cần, logistics, cơ chế liên vùng, giá và chi phí cho hạ tầng.

Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, sẽ tiếp thu những ý kiến của các nhà đầu tư, cơ quan quản lý về trình tự, thủ tục, các quy định còn vướng mắc để hoàn thiện nội dung sửa đổi, nhằm mang lại lợi ích thiết thực cho cả Nhà nước, nhà đầu tư và người dân, cũng như khắc phục được những tồn tại, hạn chế mà các KCN, KKT đang gặp phải.

Tính đến cuối tháng 5/2021, các KCN, KKT trên cả nước đã thu hút được 10.853 dự án sản xuất, kinh doanh còn hiệu lực của các nhà đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 228,4 tỷ USD, trong đó vốn đầu tư thực hiện đạt 69,6%.

Nguyễn Hòa

TIN LIÊN QUAN
Hé lộ tin vui với các dự án lớn về bán dẫn, năng lượng của “đại bàng”
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 6 tháng, nhiều dự án lớn ở các lĩnh vực bán... 
Liên tục đón “đại bàng về làm tổ”, một phân khúc tiếp tục là điểm sáng của thị trường bất động sản
Thị trường bất động sản công nghiệp liên tục đón loạt “đại bàng”... 
Diễn đàn Kinh tế Việt Nam – Thụy Sỹ: Thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp
Qua Diễn đàn trên, góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa... 
Vốn đầu tư nước ngoài 6 tháng gần 15,2 tỷ USD, DN điện tử đang đến với Việt Nam
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 6 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư...