Năm 2021: Hà Nội nỗ lực hoàn thành ít nhất 20 cụm công nghiệp
Trên địa bàn TP. Hà Nội hiện có 70 cụm công nghiệp (CCN) đang hoạt động với gần 62.000 lao động. Thời gian tới, thành phố tập trung phát triển các CCN theo hướng sản xuất công nghiệp sạch, công nghệ cao, thân thiện môi trường; phấn đấu hoàn thành xây dựng ít nhất 20 CCN trong năm 2021.

Tiến độ triển khai chậm

Theo Kế hoạch số 68/KH-UBND ngày 17/3/2021 về việc quản lý, đầu tư phát triển CCN trên địa bàn thành phố năm 2021, Hà Nội đặt mục tiêu khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật 43 CCN đã có quyết định thành lập giai đoạn 2018 – 2020; phấn đấu hoàn thành hạ tầng kỹ thuật ít nhất 20 CCN; xúc tiến, thu hút đầu tư thành lập mới 10 – 15 CCN. 100% CCN xây mới có trạm xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng…

Năm 2021: Hà Nội nỗ lực hoàn thành ít nhất 20 cụm công nghiệp
Không nhiều cụm công nghiệp có hạ tầng đồng bộ

Báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, theo kế hoạch triển khai đầu tư hạ tầng 20/43 CCN, đến nay, toàn bộ 20 CCN đều chưa đủ điều kiện để khởi công theo quy định. Tuy nhiên, trong thời gian qua, có 4 CCN đã thực hiện san lấp mặt bằng phần diện tích đã giải phóng gồm: CCN Đông Phú Yên (huyện Chương Mỹ); CCN Phú Túc, Đại Thắng (huyện Phú Xuyên) và CCN Cầu Bầu (huyện Ứng Hòa).

Cụ thể, về giải phóng mặt bằng (GPMB), có 14 cụm đã phê duyệt phương án đền bù GPMB, thành lập hội đồng, tổ công tác GPMB, chi trả tiền cho các hộ dân; 6 cụm chưa phê duyệt phương án đền bù GPMB, chưa chi trả tiền cho các hộ dân. Hiện, có 2 CCN (Đại Thắng và Phú Túc) đã cơ bản hoàn thành GPMB; 18 CCN còn lại đang tổ chức GPMB nhưng tiến độ quá chậm, nhiều CCN không GPMB thêm được diện tích.

Về quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500, 16 cụm đã được UBND huyện phê duyệt; có 4 cụm chưa phê duyệt. Cả 4 cụm này thuộc địa bàn huyện Quốc Oai (CCN Tân Hòa, CCN Thạch Thán – Ngọc Mỹ, CCN Ngọc Liệp phần mở rộng, CCN Nghĩa Hương). Về báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án, có 12 cụm đã được UBND thành phố phê duyệt; 8 cụm chưa được phê duyệt. Về phê duyệt dự án đầu tư có 11 cụm đã được chủ đầu tư phê duyệt; 9 cụm chưa phê duyệt dự án đầu tư. Về quyết định giao đất, cho thuê đất: chưa có cụm nào được giao đất, cho thuê đất. Đáng chú ý, chưa có cụm nào được cấp giấy phép xây dựng theo quy định.

Thúc đẩy đầu tư hạ tầng CCN, trong 6 tháng đầu năm 2021, Sở Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, UBND huyện, thị xã liên quan tháo gỡ khó khăn, triển khai thủ tục đầu tư hạ tầng kỹ thuật 43 CCN đã được quyết định thành lập. Tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện hồ sơ thành lập 5 CCN đã được Hội đồng đánh giá lựa chọn chủ đầu tư CCN chấm điểm và báo cáo UBND thành phố; tổ chức thẩm định thành lập 11 CCN.

Sở Công Thương Hà Nội đã có Văn bản số 893/SCT-QLCN gửi UBND các quận, huyện, thị xã rà roát đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch phát triển CCN TP. Hà Nội đến năm 2020, có xét đến năm 2030; đề xuất danh mục các CCN để xây dựng phương án phát triển CCN trên địa bàn thành phố, tích hợp vào Quy hoạch thành phố. Mới đây, ngày 15/6/2021, Sở cũng đã có Văn bản số 2660/SCT-QLCN gửi UBND các huyện và thị xã Sơn Tây đôn đốc rà soát, đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch xây dựng phương án phát triển CCN trên địa bàn thành phố; phối hợp, góp ý quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 đối với các CCN mới được thành lập. Hướng dẫn UBND các huyện: Phú Xuyên, Ứng Hòa, Thường Tín, Gia Lâm… bổ sung 7 CCN và quy hoạch phát triển CCN thành phố.

Để đảm bảo đủ các điều kiện khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật 43 CCN trong năm 2021 theo đúng kế hoạch, Sở Công Thương Hà Nội cũng đề nghị các sở, ngành, UBND huyện, thị xã cập nhật, bổ sung quy hoạch xây dựng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đối với các CCN mới được thành lập để đảm bảo triển khai dự án theo tiến độ đề ra. Đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 và công tác GPMB đáp ứng tiến độ khởi công các các CCN trên địa bàn đã được phê duyệt…

Đồng thời, đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục đất đai và môi trường trong quá trình thành lập mới, triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật, quản lý hoạt động các CCN theo quy định của Luật Đất đai và Luật Bảo vệ môi trường 2014. Thực hiện các giải pháp rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính về đất đai, GPMB để đẩy nhanh tiến độ khởi công và triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật các CCN. Hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa trên 10ha và hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, chủ đầu tư, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện.

Đẩy mạnh hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật

Tại Thông báo số 462/TB-UBND ngày 28/6/2021, kết luận của UBND thành phố tại Hội nghị giao ban quý II và 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý III và 6 tháng cuối năm 2021, Hà Nội cũng yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã bảo đảm các điều kiện khởi công xây dựng hạ tầng 43 cụm công nghiệp trong năm 2021.

Phát biểu tại hội nghị trực tuyến về quản lý, phát triển CCN do Bộ Công Thương tổ chức mới đây, ông Nguyễn Mạnh Quyền – Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội – cho biết, từ năm 2018 đến nay, Hà Nội đã thành lập được 42 CCN với tổng diện tích hơn 753ha, tổng số vốn đầu tư là 16.150 tỷ đồng. Hà Nội quyết tâm trong năm 2021 sẽ khởi công xây dựng được 20 CCN, tập trung phát triển theo hướng sản xuất công nghiệp sạch, công nghệ cao, thân thiện với môi trường… Tuy nhiên, công tác quản lý CCN trên địa bàn gặp nhiều khó khăn, từ quy hoạch đến GPMB, lựa chọn chủ đầu tư. Do đó, thành phố mong muốn Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan có văn bản tháo gỡ khó khăn về công tác quy hoạch, trình tự thủ tục điều chỉnh trong quy hoạch, bổ sung mới, điều chỉnh cũng như triển khai quy hoạch 1/500 các CCN, vì trong giai đoạn hiện nay, có sự giao thoa giữa quy hoạch ngành và quy hoạch của các tỉnh, thành phố…

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho hay, Bộ đã kiến nghị và Chính phủ đang trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung kịp thời những vấn đề bất cập, trong đó có những quy định cứng nhắc, chưa phù hợp trong Nghị định 68/NĐ-CP về tỷ lệ lấp đầy trong các CCN… Bộ trưởng cũng đề nghị, thời gian tới, các địa phương cần quán triệt thực hiện nghiêm cơ chế, chính sách về phát triển CCN; thường xuyên rà soát tiến độ đầu tư, hiệu quả hoạt động của các CCN; đổi mới công tác quản lý, khẩn trương xây dựng chiến lược phát triển CCN trên cơ sở lợi thế địa phương.

Từ nay đến cuối năm, ngành Công Thương Hà Nội sẽ đẩy mạnh thu hút đầu tư thành lập mới các CCN theo quy hoạch, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật CCN đã có quyết định thành lập nhằm tạo mặt bằng để doanh nghiệp đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, phấn đấu thành lập mới từ 10 – 15 CCN; khởi công được 43 CCN đã có quyết định thành lập, phấn đấu hoàn thành xây dựng ít nhất 20 CCN.

Nguyễn Hạnh

TIN LIÊN QUAN
50 doanh nghiệp tên tuổi Mỹ tìm cơ hội đầu tư tại Việt Nam
Một phái đoàn hơn 50 doanh nghiệp Mỹ, gồm nhiều tên tuổi lớn như SpaceX, Boeing,... 
Kết nối giao thương doanh nghiệp Hà Nội – Singapore
Chiều 7/3, Sở Công Thương Hà Nội chủ trì, phối hợp Thương vụ Việt Nam tại Singapore,... 
Bình Định thu hút 14 dự án đầu tư trong 2 tháng đầu năm 2023
Các dự án có vốn đầu tư trong nước, trong đó có 4 dự án trong KKT, KCN với tổng... 
Kỳ vọng tăng tốc trong thu hút đầu tư nước ngoài năm 2023
Theo tính toán của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong năm...