Mở rộng kênh tiêu thụ nông sản qua “cánh tay nối dài” của bưu điện

Năm 2021 được đánh giá là năm cực kỳ khó khăn cho tiêu thụ nông sản vùng dịch bởi những ảnh hưởng mạnh của dịch bệnh Covid-19. Song, nhờ một phần từ “cánh tay nối dài” của các doanh nghiệp bưu điện với đa dạng kênh phân phối, từ các bưu cục, điểm bán hàng lưu động, trang thương mại điện tử… nông sản mùa dịch đã được tiêu thụ tương đối tốt thời gian vừa qua.

Vụ nhãn năm 2021 của tỉnh Đồng Tháp bắt đầu thu hoạch đúng vào thời điểm dịch Covid-19 bùng phát. Với hơn 5.340 ha trồng nhãn, sản lượng ước tính hơn 53.000 tấn, người nông dân “đứng ngồi không yên” khi những vườn nhãn xuồng đã vàng ươm mà không có nhiều thương lái đến hỏi mua như mọi năm. Tỉnh Đồng Tháp đã hỗ trợ cho người nông dân phần nào trong tiêu thụ, song sản lượng không đáng là bao, giá bán cũng không như ý muốn.

Mở rộng kênh tiêu thụ nông sản qua “cánh tay nối dài” của bưu điện
Vietnam Post hỗ trợ người dân vùng dịch tiêu thụ nông sản

Trong bối cảnh đó, cùng với những hỗ trợ của các doanh nghiệp phân phối, sản phẩm nhãn xuồng Đồng Tháp đã được đưa vào kênh tiêu thụ của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post). Tại Đồng Tháp, Vietnam Post đã chủ động phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương, Sở Giao thông Vận tải và Hội nông dân tỉnh để tạo thuận lợi cho việc vận chuyển và tiêu thụ nhãn xuồng. Bằng hệ thống xe vận tải liên tỉnh, hệ thống bưu cục rộng khắp và kênh thương mại điện tử với lượng người mua sắm đông đảo, sản phẩm nhãn của Đồng Tháp đã được tiêu thụ hiệu quả.

Cùng với Đồng Tháp, tại Tây Ninh, để mang được những trái nhãn xuồng cơm vàng và các nông sản khác đi xa hơn tới khách hàng trên cả nước, Bưu điện tỉnh đã triển khai bán hàng trên tất cả các nền tảng số, nhất là trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) Postmart.vn. Trong quá trình chuyển phát, công tác an toàn phòng chống dịch luôn được đặt lên hàng đầu. Toàn bộ số trái cây khi chuyển đến người nhận đều rất an toàn và tươi ngon như khi vừa hái.

“Nhìn chung, người tiêu dùng của Vietnam Post cảm thấy rất thuận tiện và dễ dàng trong việc đặt hàng vì có thể sử dụng bất cứ kênh nào phù hợp với điều kiện của mình. Giá cả và chất lượng hàng, thời gian giao hàng cũng được đánh giá khá cao bởi sản phẩm khi được giao tới địa chỉ khách hàng đều đảm bảo theo đúng các tiêu chí khi khách đặt hàng” – đại diện Vietnam Post cho hay.

Mở rộng kênh tiêu thụ nông sản qua “cánh tay nối dài” của bưu điện
Lựa chọn những sản phẩm tốt nhất đưa đến tay người tiêu dùng

Hỗ trợ tiêu thụ nông sản vùng dịch là một trong những hoạt động được các doanh nghiệp bưu điện triển khai mạnh trong thời gian qua. Theo đại diện Vietnam Post, việc kết nối tiêu thụ nông sản được Tổng công ty triển khai rất linh động. Theo đó, ở những khu vực người dân được ra khỏi nhà đi chợ, nông sản được đưa vào hệ thống bưu cục của Vietnam Post. Ở những khu vực cách ly, nông sản được đưa đến tận tay người dân thông qua các chuyến xe bán hàng lưu động. Chưa kể, Vietnam Post còn tận dụng tối đa TMĐT để giao hàng hóa, nông sản đến tận nơi cho người tiêu dùng với cam kết đảm bảo cao nhất về chất lượng và an toàn phòng dịch.

Cụ thể, hiện nay, VnPost đã và đang hỗ trợ tiêu thụ nông sản tại 63 tỉnh thành theo 3 kênh: Online, Offline và O2O (Offline to Online). Cụ thể, tiêu thụ trên kênh online thông qua sàn TMĐT Postmart.vn. Trong đó, xây dựng landing page riêng cho nông sản 63 tỉnh, đồng thời, xây dựng hệ thống cộng tác viên bán sản phẩm và hưởng chiết khấu hoa hồng.

Bên cạnh đó, Vietnam Post còn kinh doanh nông sản thông qua các kênh mạng xã hội bao gồm Facebook, Zalo, nhắn tin đến các khách hàng đã follow tài khoản và kênh Youtube thông qua việc xây dựng các clip ngắn giới thiệu và dẫn link sản phẩm.

Ở kênh offline, hiện Vietnam Post đang cung cấp nông sản mùa vụ thông qua mạng lưới bưu cục tại 63 tỉnh thành. Bên cạnh đó, phối hợp với các đối tác cung cấp nguyên lô, nguyên chuyến nông sản tới các cơ quan, đơn vị, hệ thống các siêu thị, cửa hàng, chợ đầu mối, xưởng chế biến/sản xuất. Chưa kể, còn tham gia xuất khẩu một số mặt hàng nông sản sang thị trường quốc tế

Mở rộng kênh tiêu thụ nông sản qua “cánh tay nối dài” của bưu điện
Hệ thống xe vận tải và bưu cục khắp 63 tỉnh thành là lợi thế lớn của Vietnam Post trong hỗ trợ tiêu thụ nông sản

Riêng ở kênh O2O, Vietnam Post đã bố trí quầy nông sản tại một số điểm bưu cục với các sản phẩm gắn QR Code dẫn link về sản phẩm tại sàn Postmart.vn. Đồng thời, tất cả các điểm bưu cục đều có các ấn phẩm truyền thông chứa QR Code dẫn link về sản phẩm tại sàn Postmart.vn. Người tiêu dùng cũng có thể đặt hàng qua hotline bưu cục hoặc hotline Tổng công ty để giao dịch viên đặt đơn trên sàn TMĐT Postmart.vn.

Bằng hàng loạt những giải pháp kể trên, tính đến thời điểm này, Vietnam Post đã tiêu thụ hơn 330 tấn nhãn trên phạm cả nước, trong đó riêng địa bàn các tỉnh miền Nam là hơn 135 tấn. Bên cạnh đó, hỗ trợ tiêu thụ 675 tấn thực phẩm tươi sống như thịt, cá, trứng trên cả nước, riêng các tỉnh phía Nam là gần 430 tấn. Mặt hàng rau củ quả, các tỉnh miền Nam đã tiêu thụ hơn 5.400 tấn, trong khi cả nước con số này đạt mức hơn 8.500 tấn.

Theo Tổ Công tác đặc biệt về đảm bảo nguồn cung hàng hóa và hỗ trợ duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phía Nam trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp – Bộ Công Thương (Tổ công tác đặc biệt), tình hình tiêu thụ nông sản của các tỉnh phía Nam năm nay gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân bởi hàng loạt các địa phương phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội, nhiều chợ đầu mối, chợ dân sinh đóng cửa nên khó khăn cho khâu lưu thông hàng hóa đến người tiêu dùng. Tình hình dịch bệnh cũng khiến người dân thắt chặt chi tiêu, ưu tiên dành tiền cho các mặt hàng thực sự thiết yếu. Đặc biệt, hàng loạt khách sạn, nhà hàng đóng cửa; các bếp ăn tập thể ở các khu công nghiệp cũng dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng do các nhà máy giảm tối đa lực lượng công nhân viên, người lao động hoạt động trực tiếp khiến nhu cầu tiêu thụ nông sản, trái cây giảm xuống.

Trong bối cảnh đó, Tổ công tác đặc biệt đánh giá rất cao sự vào cuộc của các doanh nghiệp bưu điện, trong đó có Vietnam Post trong hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho người dân vùng dịch. Sự sáng tạo, linh hoạt của doanh nghiệp trong triển khai các giải pháp kết nối cung cầu, tiêu thụ nông sản đến kỳ thu hoạch đã góp phần đảm bảo tiêu thụ hết nông sản đến vụ cho bà con, đồng thời cung cấp kịp thời nguồn hàng đến người tiêu dùng có nhu cầu, nối liền cung cầu hàng hóa, góp phần cùng cả nước vượt qua khó khăn trong mùa dịch.

Huy động sự vào cuộc của các doanh nghiệp bưu chính để hỗ trợ tiêu thụ nông sản mùa dịch là một trong những hợp tác của Bộ Công Thương và Bộ Thông tin và Truyền thông nhằm tháo gỡ khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Hiện Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương và các doanh nghiệp đang tiếp tục triển khai chương trình này tại khắp các địa phương trên cả nước.

Phương Lan

TIN LIÊN QUAN
50 doanh nghiệp tên tuổi Mỹ tìm cơ hội đầu tư tại Việt Nam
Một phái đoàn hơn 50 doanh nghiệp Mỹ, gồm nhiều tên tuổi lớn như SpaceX, Boeing,... 
Kết nối giao thương doanh nghiệp Hà Nội – Singapore
Chiều 7/3, Sở Công Thương Hà Nội chủ trì, phối hợp Thương vụ Việt Nam tại Singapore,... 
Bình Định thu hút 14 dự án đầu tư trong 2 tháng đầu năm 2023
Các dự án có vốn đầu tư trong nước, trong đó có 4 dự án trong KKT, KCN với tổng... 
Kỳ vọng tăng tốc trong thu hút đầu tư nước ngoài năm 2023
Theo tính toán của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong năm...