Khái niệm về khu công nghiệp (KCN) sinh thái đã được nêu tại Nghị định số 82/2018/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ quy định về quản lý khu KCN và khu kinh tế. Theo đó, KCN sinh thái là KCN mà ở đó các doanh nghiệp (DN) tham gia vào hoạt động sản xuất sạch hơn và sử dụng hiệu quả tài nguyên, có sự liên kết, hợp tác trong sản xuất để thực hiện hoạt động cộng đồng, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, môi trường, xã hội của các DN.
Sắp tới sẽ thí điểm xây dựng mô hình KCN sinh thái tại nhiều địa phương trên cả nước |
Như vậy, mục tiêu của KCN sinh thái là: Nâng cao hiệu quả kinh tế của DN trong KCN thông qua áp dụng các biện pháp sản xuất sạch hơn, sử dụng hiệu quả tài nguyên và xây dựng mối liên kết cộng sinh công nghiệp; nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường trong và xung quanh KCN thông qua việc giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm và chất thải, khuyến khích sử dụng công nghệ sạch, các phương pháp sản xuất sạch hơn, thân thiện với môi trường; hình thành cộng đồng DN trong KCN có sức cạnh tranh trên thị trường, bảo vệ và phát triển môi trường sống cho cộng đồng xung quanh KCN, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Với những ý nghĩa đó, ông Lê Thành Quân – Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) – cho rằng: “Triển khai KCN sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ chương trình KCN sinh thái toàn cầu” là cần thiết. Bởi thực hiện chủ trương phát triển KCN, từ năm 1991 đến nay, hệ thống các KCN đã phát huy được vai trò đầu tàu trong phát triển kinh tế, là động lực quan trọng đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, là điểm đến đầu tư của nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình công nghiệp hóa với tốc độ nhanh tại Việt Nam cũng đặt ra nhiều thách thức về môi trường. Việt Nam đang từng bước chuyển đổi mô hình phát triển, trong đó có KCN hướng đến bền vững hơn, phù hợp với Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh và các cam kết của Việt Nam trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) 2030 của Liệp hợp quốc, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu…
Theo đó, để khuyến khích các nhà đầu tư phát triển KCN sinh thái, tại Nghị định số 82/2018/NĐ-CP, Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách khuyến khích phát triển KCN sinh thái và ưu đãi đối với DN hoạt động tại KCN sinh thái. Cụ thể, Chính phủ khuyến khích nhà đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KCN, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và xã hội, cung cấp dịch vụ hạ tầng KCN với chất lượng cao, kết nối hỗ trợ DN trong KCN thực hiện cộng sinh công nghiệp để chuyển đổi thành KCN sinh thái. Khuyến khích DN trong KCN, cải tiến quy trình quản lý và vận hành, đổi mới và ứng dụng công nghệ theo hướng sản xuất sạch hơn, giảm các nguồn gây ô nhiễm, tái sử dụng chất thải và phế liệu, sử dụng hiệu quả tài nguyên. Các DN trong KCN được khuyến khích hợp tác với nhau hoặc với bên thứ 3 để sử dụng hoặc được cung cấp chung hạ tầng dịch vụ, nguyên, phụ liệu và các yếu tố đầu vào sản xuất, được phép tái sử dụng chất thải, phế liệu và năng lượng dư thừa của mình và của các DN trong KCN để giảm chi phí, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh của DN…
Đối với DN trong KCN sinh thái tham gia vào hoạt động sản xuất sạch hơn, sử dụng hiệu quả tài nguyên và hoạt động cộng sinh công nghiệp sẽ được Ban quản lý KCN, khu kinh tế chứng nhận là DN sinh thái trong KCN. DN phát triển kết cấu hạ tầng KCN sinh thái và DN sinh thái được ưu tiên vay vốn ưu đãi từ Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Việt Nam và các quỹ, tổ chức tài chính, nhà tài trợ trong nước và quốc tế để xây dựng hạ tầng kỹ thuật KCN, thực hiện các biện pháp sản xuất sạch hơn, sử dụng hiệu quả tài nguyên và các giải pháp cộng sinh công nghiệp. Đặc biệt, DN phát triển kết cấu hạ tầng KCN sinh thái và DN sinh thái được ưu tiên tham gia các chương trình hỗ trợ kỹ thuật, xúc tiến đầu tư do cơ quan nhà nước tổ chức…
Trên thực tế, từ năm 2015 đến năm 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với một số nhà tài trợ, tổ chức quốc tế như: Quỹ Môi trường toàn cầu; Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ; Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc thí điểm chuyển đổi mô hình KCN truyền thống sang KCN sinh thái tại một số địa phương tại Việt Nam, nhằm phát triển công nghiệp từ chiều ngang sang chiều sâu. Tuy nhiên, theo đại diện Vụ Quản lý các Khu kinh tế, mô hình KCN sinh thái chỉ thực sự phát huy được vai trò tích cực với chiến lược phát triển bền vững của quốc gia khi được nhân rộng trên cả nước, với các hỗ trợ về chính sách, công nghệ, tài chính và cơ chế kết nối chặt chẽ giữa các bên liên quan.
Nguyễn Hòa